NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC – ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

DSAC luôn coi trọng vai trò của các Nhà đầu tư và Đối tác chiến lược trong việc đồng hành xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

DANH SÁCH CÁC NGHỊ QUYẾT

01

Căn cứ Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

02

Căn cứ Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND ban hành quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

03

Căn cứ Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định các chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; trình tự tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành tài sản kết cấu hạ tầng thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

04

Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định các nội dung để xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

TÓM TẮT

Điều 12 Nghị quyết 136/2024/QH15 quy định thu hút nhà đầu tư chiến lược.

1. Danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố bao gồm:

a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên;

b) Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp quốc phòng, danh mục và sản phẩm công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô vốn đầu tư từ 4.000 tỷ đồng trở lên;

c) Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: Khu thương mại – dịch vụ có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Trung tâm logistics gắn với Cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Khu sản xuất có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên;

d) Đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa có quy mô vốn đầu tư từ 8.000 tỷ đồng trở lên;

đ) Đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến Cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên.

2. Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc tuân thủ nghĩa vụ, trách nhiệm quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều này; có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có vốn điều, lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

b) Có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên;

c) Có vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm d khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên;

d) Có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Điều 3 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đối với nhà đầu tư chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như sau:

1. Nhà đầu tư chiến lược được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; mức hỗ trợ không quá 200 tỷ đồng/ dự án. Mỗi nhà đầu tư chiến lược chỉ được hỗ trợ 01 lần.

2. Nhà đầu tư chiến lược được hỗ trợ 50% chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin (không bao gồm chi phí dịch vụ) nhưng không quá 500 triệu đồng/ năm trong vòng 02 năm đầu tiên.

Điều 7 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ chi phí thiết lập ban đầu khi thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin (chưa hoàn thiện phần: lát sàn, trần thạch cao, chiếu sáng, mạng nội bộ).

a) Hỗ trợ 100.000 đ/mchi phí thiết lập ban đầu để sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin nhưng không quá 200 triệu đồng/đối tượng.

b) Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần.

Điều 5 Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

1. Tiêu chí, điều kiện để các doanh nghiệp đối tác chiến lược được hỗ trợ chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

a) Doanh nghiệp được hỗ trợ phải là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 136/2024/QH15.

b) Có nhân lực có trình độ chuyên môn cao đáp ứng một trong các tiêu chí như sau:

– Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp;

– Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

– Kỹ sư có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và có tối thiểu 02 năm làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỷ đồng trở lên.

– Kỹ sư có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và có tối thiểu 02 năm làm việc tại các cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education (THE) hoặc Quacquarelli Symonds (QS) hoặc Webometrics.

2. Chính sách hỗ trợ

Hỗ trợ 30% chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố trong 05 năm đầu tiên, với tổng mức hỗ trợ tối đa 01 tỷ đồng/năm/doanh nghiệp.

3. Thủ tục, trình tự hưởng chính sách tại Điều này được quy định tại Điều 9 Nghị quyết này.

Điều 4 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đối với đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như sau:

1. Đối tác chiến lược được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; mức hỗ trợ không quá 200 tỷ đồng/ dự án. Mỗi đối tác chiến lược chỉ được hỗ trợ 01 lần.

2. Được thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá.

3. Được hỗ trợ 50% chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin (không bao gồm chi phí dịch vụ) nhưng không quá 500 triệu đồng/ năm trong vòng 02 năm đầu tiên.

Điều 7 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ chi phí thiết lập ban đầu khi thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin (chưa hoàn thiện phần: lát sàn, trần thạch cao, chiếu sáng, mạng nội bộ).

a) Hỗ trợ 100.000 đ/mchi phí thiết lập ban đầu để sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin nhưng không quá 200 triệu đồng/đối tượng.

b) Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần.

DOANH NGHIỆP

DSAC xây dựng các chính sách linh hoạt và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

DANH SÁCH CÁC NGHỊ QUYẾT

01

Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định các chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; trình tự tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành tài sản kết cấu hạ tầng thông tin trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

02

Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định các nội dung để xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

TÓM TẮT

Điều 5 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như sau:

1. Đối tượng áp dụng.

Các tổ chức, doanh nghiệp thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Doanh nghiệp, có trụ sở, có đăng ký và kê khai nộp thuế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Hoạt động và đạt doanh thu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như sau:

– Doanh nghiệp siêu nhỏ: Doanh thu tối thiểu 100 triệu đồng/ năm;

– Doanh nghiệp nhỏ: Doanh thu tối thiểu 500 triệu đồng/ năm;

– Doanh nghiệp vừa và lớn: Doanh thu tối thiểu 02 tỷ đồng/ năm.

c) Không nợ thuế, BHXH đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

2. Nội dung, mức hỗ trợ.

a) Hỗ trợ chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin (không bao gồm chi phí dịch vụ), cụ thể:

– Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ: Hỗ trợ 50% chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin nhưng không quá 200 triệu đồng/năm;

– Doanh nghiệp vừa và lớn: Hỗ trợ 25% chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin nhưng không quá 250 triệu đồng/năm.

b) Thời gian hỗ trợ không quá 02 năm/doanh nghiệp.

Điều 7 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ chi phí thiết lập ban đầu khi thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin (chưa hoàn thiện phần: lát sàn, trần thạch cao, chiếu sáng, mạng nội bộ).

a) Hỗ trợ 100.000 đ/mchi phí thiết lập ban đầu để sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin nhưng không quá 200 triệu đồng/đối tượng.

b) Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần.

Điều 6 Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đối với Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như sau:

1. Đối tượng áp dụng.

a) Các Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo được thực hiện và ứng dụng tại thành phố Đà Nẵng đáp ứng các điều kiện sau:

– Có một trong các hoạt động sau: Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ ưu tiên; Phát triển mô hình đầu tư và hợp tác mới;

– Có cam kết và chịu trách nhiệm sử dụng mặt bằng được bố trí đúng mục đích.

b) Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đáp ứng các điều kiện sau:

– Có hoạt động, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và được thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài nguyên trí tuệ công nghệ, mô hình khinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh;

– Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

– Đã đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

– Có cam kết và chịu trách nhiệm sử dụng mặt bằng được bố trí đúng mục đích.

2. Nội dung, mức hỗ trợ.

Được bố trí miễn phí mặt bằng trong không gian phát triển sản phẩm, đào tạo công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nhưng không quá 100m2, thời hạn không quá 03 năm đối với mỗi dự án, doanh nghiệp.

3. Trong trường hợp Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Tổ chức/cá nhân chủ trì Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không thực hiện đúng cam kết thì bị thu hồi mặt bằng đã bố trí.

Điều 4 Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định nội dung hoạt động của doanh nghiệp vi mạch bán dẫn.

Doanh nghiệp có hoạt động vi mạch bán dẫn là doanh nghiệp có hoạt động trong các lĩnh vực sau:

1. Thiết kế

a) Tham gia một phần hoặc toàn bộ công đoạn trong quy trình thiết kế vi mạch từ kiến trúc chip, thiết kế luận lý (Logical design – Front End design) đến thiết kế vật lý (Physical design – Back End design).

b) Thiết kế, cung cấp các phần mềm, công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn (EDA).

c) Cung cấp IP lõi (IP core) và dịch vụ IP lõi cho thiết kế vi mạch bán dẫn.

d) Nghiên cứu phát triển (R&D), đào tạo thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn.

2. Sản xuất

a) Sản xuất vi mạch bán dẫn, đúc chip (sản xuất ra các wafer đã được tinh chế/khắc chip).

b) Sản xuất nguyên vật liệu, máy công cụ, thiết bị phục vụ sản xuất vi mạch bán dẫn:

– Sản xuất các wafer nguyên chất, mặt nạ quang khắc (mask)…;

– Sản xuất vật liệu bán dẫn (thạch anh, silicon và các hợp chất bán dẫn khác như GaN, Cds, ZnO…);

– Sản xuất linh kiện bán dẫn (transitor, IC, PCB, PE, memories…);

– Sản xuất thiết bị điện tử có nguồn gốc từ chất bán dẫn theo đơn đặt hàng (OEMs), thiết kế, sản xuất thiết bị điện tử có nguồn gốc từ chất bán dẫn theo yêu cầu (ODMs) nhưng không bao gồm các công ty chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp sản phẩm;

– Sản xuất máy công cụ, thiết bị trong dây chuyền sản xuất vi mạch bán dẫn (máy quang khắc, máy đánh bóng wafer, máy cắt wafer…).

3. Đóng gói, kiểm thử

Tham gia một phần hoặc toàn bộ công đoạn đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn.

Điều 6 Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định tiêu chí, điều kiện để xác định doanh nghiệp có hoạt động vi mạch bán dẫn trên địa bàn Thành phố.

1. Tiêu chí:

Doanh nghiệp có tham gia một trong các hoạt động quy định tại Điều 4 Nghị quyết này.

2. Điều kiện:

Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau

a) Doanh nghiệp đang hoạt động, đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; có đăng ký kinh doanh 01 trong các mã ngành: Sản xuất linh kiện điện tử (2610), nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (7212), Xuất bản phần mềm (5820), Lập trình máy vi tính (6201), Tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính (6202), Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính (6209) quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

b) Có nhân sự làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

c) Có một trong các hoạt động sau:

– Đầu tư mua sắm, nhận viện trợ, cho tặng trang thiết bị, phần mềm, dây chuyền phục vụ thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử để hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn;

– Có phát sinh doanh thu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Điều 5 Nghị quyết 59/2024/NQ-HĐND quy định nội dung hoạt động của doanh nghiệp có hoạt động trí tuệ nhân tạo.

Doanh nghiệp có hoạt động trí tuệ nhân tạo là doanh nghiệp có hoạt động trong các lĩnh vực sau:

1. Hạ tầng

a) Cung cấp dịch vụ hạ tầng tính toán hiệu năng cao sử dụng năng lực xử lý của GPU, NPU, DPU,… phục vụ cho việc xử lý dữ liệu, trên các kiến trúc mạng Nơ-ron, mô hình huấn luyện, các mô hình học máy.

b) Cung cấp dịch vụ hạ tầng phục vụ cho các bài toán mô phỏng.

2. Dữ liệu

a) Thu thập dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, chú giải dữ liệu, kiểm tra chất lượng dữ liệu, lấy mẫu dữ liệu, tăng cường dữ liệu, quản lý dữ liệu.

b) Khai phá dữ liệu, phân tích dữ liệu nhằm phân loại, phân nhóm nhiều loại dữ liệu có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc trên các kiến trúc mạng Nơ-ron, có khả năng biểu diễn dữ liệu dựa trên các phương pháp học có giám sát (Supervised machine learning), bán giám sát (Semi-supervised machine learning), không giám sát (Unsupervised machine learning), học tăng cường (Reinforcement learning), học hợp nhất (Federated learning) để hỗ trợ ra quyết định.

3. Ứng dụng dựa trên các thuật toán học máy, học sâu như mạng nơ-ron tích chập (Convolutional Neural Network), Mạng nơ-ron tiến (Feed Forward Neural Network), mạng Bayes, cây quyết định (Decision Tree), thuật toán di truyền (Genetic Algorithm), K láng giềng (K-Nearest Neighbors), máy véc-tơ hỗ trợ (Support Vector Machine), các mô hình ngôn ngữ lớn, mô hình thị giác máy tính lớn hoặc các thuật toán tiên tiến hơn để nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, phát triển, kiểm thử các Hệ thống:

a) Các hệ thống trong lĩnh vực thị giác máy tính như: nhận dạng hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng sinh trắc học, nhận dạng vật thể,....

b) Các hệ thống trong lĩnh vực xử lý, tổng hợp tiếng nói bao gồm: Nhận dạng lời nói, chuyển giọng nói thành văn bản, chuyển văn bản thành giọng nói…

c) Các hệ thống xử lý ngôn ngữ: nhận dạng chữ viết tay, dịch máy, tổng hợp văn bản, trợ lý số.

d) Các hệ thống khai phá dữ liệu, phân tích phát hiện hành vi, giao dịch bất thường, cảnh báo, dự báo, dự đoán xu hướng trong các lĩnh vực chuyên ngành.

đ) Các hệ chuyên gia, hệ thống gợi ý trong các lĩnh vực chuyên ngành.

e) Các hệ thống tự hành trong các lĩnh vực chuyên ngành.

g) Các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Điều 7 Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định tiêu chí, điều kiện để xác định doanh nghiệp có hoạt động trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố như sau:

1. Tiêu chí:

Doanh nghiệp có tham gia một trong các hoạt động trí tuệ nhân tạo quy định tại Điều 5 Nghị quyết này.

2. Điều kiện:

Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau

a) Doanh nghiệp đang hoạt động, đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; có đăng ký ngành nghề hoạt động theo Danh mục tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 1354/QĐ-BTTTT ngày 07/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số.

b) Có nhân sự làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

c) Có một trong các hoạt động sau:

– Đầu tư mua sắm, nhận viện trợ, cho tặng trang thiết bị, phần mềm, dây chuyền phục vụ thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử để hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo;

– Có phát sinh doanh thu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo;

– Có sản phẩm đầu ra trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Điều 8 Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định tiêu chí, điều kiện để xác định cá nhân làm việc trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Cá nhân phải đạt cả 2 điều kiện sau:

1. Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê chuyên gia của doanh nghiệp đã có văn bản xác nhận là doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê chuyên gia phải phù hợp với quy định pháp luật về lao động và phải có nội dung cụ thể vị trí, công việc trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

2. Có tài liệu chứng minh nhân sự tham gia hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Điều 10 Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng miễn thuế thu nhập quy định tại điểm b, c Khoản 1, Điều 14 Nghị quyết 136/2024/NQ-QH15.

a) Miễn thuế thu nhập cá nhân

Cá nhân đáp ứng các điều kiện tại Điều 8 Nghị quyết này trong quá trình làm thủ tục quyết toán thuế TNCN hàng năm với cơ quan thuế có trách nhiệm xuất trình các hồ sơ, tài liệu chứng minh với cơ quan thuế để được xét duyệt. Trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trong quá trình làm hồ sơ với Cục Thuế, cá nhân phải xuất trình giấy xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo do Sở Thông tin và Truyền thông cấp để hưởng miễn thuế thu nhập do doanh nghiệp chi trả.

b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

Tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tại điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 136/2024/QH15 trong quá trình làm hồ sơ với Cục Thuế phải xuất trình giấy xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo do Sở Thông tin và Truyền thông cấp để hưởng miễn thuế thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Điều 11 Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định thời điểm được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội.

Thời điểm xác định được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo kể từ ngày có văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận là doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thời điểm xác định được miễn thuế thu nhập cá nhân quy định tại điểm b, c  Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đối với cá nhân có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, cá nhân làm việc trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo kể từ ngày có văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận là doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trước thời điểm được xác nhận là doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thì thời hạn xác định miễn thuế tính từ thời điểm có văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận là doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC

DSAC triển khai các chính sách thu hút và hỗ trợ chuyên gia, nhà khoa học nhằm kiến tạo môi trường làm việc lý tưởng, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực mũi nhọn.

DANH SÁCH CÁC NGHỊ QUYẾT

01

Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND ban hành quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

TÓM TẮT

Điều 4 Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố như sau:

1. Tiêu chí

a) Có năng lực chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;

b) Có năng lực tập hợp, quy tụ và phát triển đội ngũ thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;

c) Chấp hành Pháp luật của nhà nước Việt Nam.

2. Tiêu chuẩn tuyển dụng

a) Trong 05 năm tính đến thời điểm tuyển dụng, chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải đáp ứng tối thiểu một trong các tiêu chuẩn sau:

– Đã từng có mức thu nhập từ 01 tỷ đồng/năm đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Việt Nam hoặc có mức thu nhập từ 05 tỷ đồng/năm đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở nước ngoài.

– Có học vị tiến sĩ trở lên và có hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

– Có số năm kinh nghiệm và số văn bằng bảo hộ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thoả mãn công thức sau:

Số năm kinh nghiệm + (5 ´ Số văn bằng bảo hộ) ³ 20

Trong đó: Văn bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Có tối thiểu 03 năm đảm nhiệm một trong các vai trò quan trọng như giám đốc, quản lý, kỹ sư cao cấp tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỷ đồng trở lên; hoặc tại cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education (THE) hoặc Quacquarelli Symonds (QS) hoặc Webometrics. 

b) Các chuyên gia, nhà khoa học phải được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển dụng với thời gian tối thiểu 01 năm.

3. Chính sách hỗ trợ đối với các chuyên gia, nhà khoa học được tuyển dụng làm việc trong doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, tổ chức trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố được quy định như sau:

a) Được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/người.

b) Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại Thành phố với mức không quá 20 triệu đồng/tháng trong thời gian công tác tại Thành phố (có hoá đơn chứng từ hợp pháp). Thời gian hỗ trợ không quá 01 năm.

c) Được hỗ trợ thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố như sau:

– Được hỗ trợ số tiền thu nhập bằng mức chi phí công bố bài báo khoa học do chuyên gia, nhà khoa học chủ trì trên các tạp chí khoa học uy tín được lựa chọn theo chính sách của Thành phố về khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ;

– Được hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam; được hỗ trợ 50 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố quốc tế.

4. Chính sách hỗ trợ đối với các chuyên gia, nhà khoa học được tuyển dụng làm việc theo từng chương trình, dự án tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố được quy định như sau:

a) Được hưởng mức thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng trong thời gian làm việc theo chương trình, dự án và không quá 01 năm.

b) Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại Thành phố với mức không quá 20 triệu đồng/tháng trong thời gian làm việc theo chương trình, dự án tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố (có hoá đơn chứng từ hợp pháp). Thời gian hỗ trợ không quá 01 năm.

c) Được hỗ trợ thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố như sau:

– Được hỗ trợ số tiền thu nhập bằng mức chi phí công bố bài báo khoa học do chuyên gia, nhà khoa học chủ trì trên các tạp chí khoa học uy tín được lựa chọn theo chính sách của Thành phố về khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ;

– Được hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam; được hỗ trợ 50 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố quốc tế.

5. Uỷ ban nhân dân Thành phố định kỳ đề xuất danh sách các chuyên gia, nhà khoa học được thụ hưởng các chính sách quy định tại Điều này, trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét và quyết định.

CÁ NHÂN

DSAC xây dựng các chính sách hỗ trợ cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi để học tập, nghiên cứu và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

DANH SÁCH CÁC NGHỊ QUYẾT

01

Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND ban hành quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

chi tiết

TÓM TẮT

Điều 6 Nghị quyết 57/2024/NQ-HĐND quy định các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

1. Các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:

a) Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo được tổ chức thực hiện tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố hoặc Liên minh đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo Thành phố Đà Nẵng thuộc mã nhóm ngành đào tạo (được quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học) là 75103  (Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông), 75202 (Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông), 74801 (Máy tính), 74802 (Công nghệ thông tin).

b) Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của các cơ sở đào tạo nước ngoài nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education (THE) hoặc Quacquarelli Symonds (QS) hoặc Webometrics.

c) Các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo do doanh nghiệp là đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hoặc các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo thuộc Liên minh đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện.

2. Chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia chương trình, dự án quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị quyết này.

a) Đối tượng áp dụng:

Cá nhân học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố.

b) Chính sách hỗ trợ

– Được cho vay số tiền bằng học phí nộp cho các cơ sở đào tạo với lãi suất ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo từng thời kỳ đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên từ Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố. Tổng mức cho vay cho toàn bộ chương trình đào tạo không vượt quá 180 triệu đồng.

–  Được miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi tiền vay cần phải trả nếu sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc ít nhất 03 năm tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

3. Chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia chương trình, dự án quy định tại điểm b, c khoản 1, Điều 6 Nghị quyết này.

a) Đối tượng áp dụng:

Các cá nhân đang giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

b) Điều kiện 

– Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải thực hiện thời gian làm việc, giảng dạy, nghiên cứu với thành phố theo cam kết tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố (được quy định cụ thể trong hợp đồng đào tạo).

– Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định thời gian cam kết làm việc, giảng dạy, nghiên cứu sau đào tạo phù hợp với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

– Trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn 100% kinh phí đã được hỗ trợ.

c) Chính sách hỗ trợ:

– Được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần các chi phí khác liên quan đến khóa đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc (nếu có) phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước tùy theo từng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

– Đối với hình thức bồi dưỡng sau tiến sĩ: cá nhân trúng tuyển bồi dưỡng sau tiến sĩ (có đề cương nghiên cứu và được tiếp nhận thực hiện nghiên cứu tại một cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ uy tín nước ngoài) được xem xét, hỗ trợ một khoản kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo đề cương nghiên cứu được duyệt bởi cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nước ngoài với mức kinh phí hỗ trợ tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng.

4. Ủy ban nhân dân Thành phố định kỳ rà soát, đề xuất danh sách đối tượng, kinh phí hỗ trợ được hưởng chính sách theo khoản 2 và 3 của Điều này, trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét và quyết định.

Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng

xem chi tiết tại đây

Đà Nẵng xác định 3 hướng đột phá để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo: cơ sở hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực. Thành phố cũng đặt lộ trình phát triển trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 2024-2027, thành phố tập trung đào tạo nguồn nhân lực, gắn với thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Giai đoạn 2027-2030, thành phố ưu tiên phát triển doanh nghiệp nội địa, khởi nghiệp cùng với thu hút đầu tư lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn; đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.

Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số Đà Nẵng đóng góp tối thiểu 35-40% GRDP thành phố; thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Về cơ cấu lĩnh vực, có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói cung cấp nguồn nhân lực ưu tiên cho Đà Nẵng và hướng đến các địa phương khác trong cả nước và một số thị trường quốc tế có hợp tác với Đà Nẵng.

Tăng ít nhất 30 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế. Phấn đấu thu hút ít nhất 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử; phấn đấu ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được ươm tạo và tăng tốc phát triển.

Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thu hút ít nhất 3.000 nhân lực chất lượng cao; phát triển 20 sản phẩm trí tuệ nhân tạo do doanh nghiệp Đà Nẵng thực hiện; phấn đấu ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và tăng tốc phát triển.

Đề án đặt ra 5 nhóm giải pháp để đạt các mục tiêu: phát triển nguồn nhân lực thông qua chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài; phát triển cơ sở hạ tầng thông qua xây dựng chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng truyền dẫn tốc độ cao, hạ tầng không dây, thúc đẩy chuyển đổi số và số hóa công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thông qua xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ thông qua triển khai chính sách thử nghiệm có kiểm soát có thời hạn đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh truyền thông về tiềm năng, lợi thế của thành phố trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tổ công tác triển khai Đề án vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đề xuất với Chủ tịch UBND thành phố xử lý các vấn đề mới, quan trọng, liên ngành, chưa được quy định hoặc chồng chéo, phức tạp.

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực của Tổ công tác triển khai Đề án vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động chi tiết từng năm để thực hiện đề án.

LIÊN HỆ VỚI DSAC!

Mọi thắc mắc, hợp tác hoặc đăng ký chương trình đào tạo, vui lòng liên hệ với DSAC – Trung tâm Bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình đổi mới và phát triển công nghệ.

    Liên hệ