Trao đổi kinh nghiệm về chiến lược phát triển ngành bán dẫn, hợp tác trong đào tạo và vận hành phòng lab
Chiều ngày 08/7/2025, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đã đón tiếp và làm việc với ông Jason Conrad đến từ Đại học Bang Arizona (Arizona State University – ASU, Hoa Kỳ) nhằm trao đổi chuyên sâu về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đào tạo nhân lực và mô hình hợp tác nghiên cứu – triển khai (R&D) giữa hai bên.
Chủ trì làm việc với đại diện ASU, ông Lê Hoàng Phúc Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và ông Huỳnh Trần Hải Âu, Giám đốc công ty VSAP LAB.
Chia sẻ tổng quan về hệ sinh thái công nghệ cao tại Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, bà Hoàng Thùy Dương, đại diện trung tâm DSAC chia sẻ tổng quan về hệ sinh thái công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng, với nhiều chính sách ưu đãi nổi bật như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm cho các dự án công nghệ cao, hỗ trợ không gian làm việc, kết nối hạ tầng, cấp học bổng và hỗ trợ thuế sau tốt nghiệp cho sinh viên – giảng viên.
Đại diện công ty VSAP LAB giới thiệu về Dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến cho vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thành phố.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành phòng lab từ đại diện ASU
ASU hiện là trường đại học có quy mô lớn nhất Hoa Kỳ về kỹ thuật với hơn 119.000 sinh viên. Trường đồng thời dẫn đầu nhiều sáng kiến nghiên cứu – phát triển trong ngành bán dẫn, nổi bật là chương trình “ASU Shield” trị giá 100 triệu USD trong 5 năm, tập trung vào công nghệ đóng gói dị thể (heterogeneous integration). ASU sở hữu hệ thống phòng sạch hiện đại với quy mô 25.000 m² cùng nhiều dây chuyền công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, sản xuất và đào tạo.
Đại diện ASU cho biết mô hình hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp – chính phủ là yếu tố then chốt để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thị trường (còn gọi là “Valley of Death”). Trường cũng tích cực triển khai đào tạo các kỹ năng bán dẫn theo hướng mô-đun hoá, cấp chứng chỉ ngắn hạn phù hợp cho cả sinh viên lẫn người đang làm việc trong ngành.
Thảo luận hợp tác và bước đi tiếp theo
Tại buổi làm việc, hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về vận hành phòng thí nghiệm, mô hình chia sẻ thiết bị, đào tạo nhân lực và đồng nghiên cứu sản phẩm mẫu. Đại diện phía Việt Nam đề xuất các cơ hội hợp tác cụ thể như trao đổi sinh viên, đào tạo từ xa, chia sẻ công cụ thiết kế – đo kiểm, đồng thời mời ASU đến thăm các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Trung tâm DSAC và ASU sẽ duy trì kết nối để cùng xây dựng lộ trình hợp tác cụ thể, hướng đến việc phát triển các phòng lab đạt chuẩn, phục vụ nghiên cứu, đào tạo và thử nghiệm công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.


(Theo: Ngọc Bích)