Trung tâm DSAC và Veron Group trao đổi thảo luận về định hướng đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn và AI
Ngày 07/7/2025, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Veron nhằm trao đổi định hướng hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, bao gồm bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Tại buổi làm việc, Veron Group đã giới thiệu tổng quan các lĩnh vực hoạt động trọng tâm hiện nay, với ba mảng chính gồm: đào tạo – nghiên cứu bán dẫn, phát triển AI và ứng dụng IoT. Trong lĩnh vực bán dẫn, Veron hiện đang vận hành một viện đào tạo và một trung tâm nghiên cứu, đồng thời triển khai 04 chương trình đào tạo cốt lõi với tổng cộng 18 khóa học, trải rộng từ frontend, backend đến ATP.
Các chương trình đào tạo của Veron được thiết kế đa dạng theo từng đối tượng, từ giảng viên đại học, sinh viên đến kỹ thuật viên. Trong đó, chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch thực chiến được xem là điểm nhấn, với mô hình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong môi trường doanh nghiệp thực tế.
Ở mảng trí tuệ nhân tạo, các chương trình đào tạo AI đang được triển khai cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và lao động trong cả nước. Một trong những ứng dụng tiêu biểu là hệ thống AI Chatbot hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến.
Trong lĩnh vực Internet of Things, Veron đang nghiên cứu hướng tích hợp AI với IoT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tự động hóa và chuyển đổi số. Đồng thời phát triển các mô hình công nghệ như AI-native và AI Agents, với mục tiêu xây dựng nền tảng vận hành mang tính hệ thống (“AI Factory”), bước đầu dự kiến huy động nguồn lực từ các cơ quan trung ương và đơn vị chuyên môn liên quan.
Trong phần trao đổi, hai bên thống nhất một số định hướng hợp tác cụ thể. DSAC và Veron sẽ cùng hình thành liên minh công nghệ – đào tạo, trong đó Veron chuyển giao hệ thống công nghệ, còn DSAC hỗ trợ về không gian làm việc, phần mềm chuyên dụng và các điều kiện kỹ thuật cần thiết. Ngoài ra, DSAC dự kiến hỗ trợ Veron trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu Công viên Phần mềm số 2 dưới mô hình start-up.
Hai bên cũng thống nhất phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên đề về bán dẫn, vi mạch và AI, qua đó tăng cường kết nối chuyên gia, xúc tiến thị trường và lan tỏa tri thức công nghệ mới. Riêng với chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, DSAC cam kết hỗ trợ cơ sở vật chất, phòng lab và cấp license phần mềm đào tạo.
Buổi làm việc khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai đơn vị trong việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ sinh thái công nghệ tại Đà Nẵng, phù hợp với định hướng phát triển lĩnh vực công nghệ cao của thành phố trong thời gian tới.

#DSAC #VeronGroup #ĐàNẵng #ViMạchBánDẫn #PhátTriểnNhânLực #TríTuệNhânTạo #CôngNghệCao #ĐổiMớiSángTạo
Theo: Bình Nguyên